GIÁO DỤC LÀM GƯƠNG CÓ PHẢI LÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TỐT NHẤT?

8/06/2023
Theo tâm lý học 0-6 tuổi, trẻ có xu hướng bắt chước người lớn, đặc biệt là cha mẹ. Vậy nên, một trong những phương pháp giáo dục trẻ quan trọng nhất chính là cha mẹ làm gương cho con. Đây được coi là “chìa khóa vàng” phát triển nhân cách của trẻ sau này.

1. Tại sao cha mẹ phải làm gương cho con?

Trẻ có hành vi bắt chước từ lứa tuổi 0-6

Theo khoa học giải phẫu, não bộ của chúng ta có một nhóm tế bào thần kinh đặc biệt, đó là tế bào thần kinh gương hay còn gọi là tế bào thần kinh phản chiếu. Trong giai đoạn 0-6 tuổi, khi trẻ quan sát thế giới bên ngoài, các tế bào thần kinh gương sẽ được kích thích và theo phản xạ, trẻ sẽ bắt chước theo những gì chúng nhìn thấy, nghe thấy. Trẻ có thể bắt chước tất cả các loài vật, mọi hành động và hành vi của con người. Có thể nói rằng, bắt chước là bản năng của trẻ nhỏ.

Trải qua nghiên cứu và làm việc với trẻ, tiến sĩ, bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori cũng khẳng định: 0-6 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của trẻ và thể hiện rõ rệt nhất bản năng bắt chước khi trẻ sở hữu trong mình “trí tuệ thẩm thấu”. Trí tuệ thẩm thấu được ví như một miếng bọt biển, thấm hút mọi thứ từ môi trường xung quanh. Đặc biệt, với trẻ 0-3, nó còn được miêu tả như một chiếc máy ảnh giúp trẻ chụp lại bất cứ những gì trẻ tiếp xúc. Vì vậy, khả năng bắt chước được xem là một yếu tố đắc lực hỗ trợ cho quá trình học hỏi của trẻ.

Cha mẹ là người tiếp xúc nhiều nhất với trẻ nên trẻ sẽ dễ dàng bắt chước

Các nghiên cứu về tâm lý trẻ chỉ ra rằng, trong môi trường giáo dục trẻ, cha mẹ là người gần gũi, tiếp xúc và ảnh hưởng nhiều nhất đến trẻ. Những thói quen, cử chỉ, điệu bộ, cách nói chuyện của cha mẹ đều được trẻ sao chép, lưu vào tiềm thức từ thời ấu thơ và dần trở thành một phần tâm lý.

Trong trẻ luôn tồn tại trí tò mò vô tận, luôn muốn khám phá thế giới ẩn chứa bao nhiêu điều mới lạ. Vậy nên, trẻ luôn luôn cảm thấy hứng thú với mọi lời nói, biểu cảm, hành động thường ngày của cha mẹ và rất thích bắt chước theo. Việc bắt chước cha mẹ chính là công cụ để trẻ thỏa mãn khao khát tìm hiểu về mọi điều xung quanh.

Thông qua bắt chước, trẻ dần có nhận thức về bản thân, hình thành các chuẩn mực về hành vi, đồng thời học hỏi và nhận biết thế giới xung quanh. Vì vậy, cha mẹ làm gương cho con là điều vô cùng quan trọng.

2. Lợi ích của việc cha mẹ làm gương cho con

Hình thành những thói quen tốt

“Bắt chước là nền tảng của giáo dục và phát triển” – theo các chuyên gia tâm lý. Đối với trẻ 0-6 tuổi, bắt chước được coi là kỹ năng quan trọng để trẻ hình thành cách ứng xử, hành vi, thái độ,… Lúc này, trẻ chưa có nhiều sự hiểu biết về cuộc sống, nhưng nếu trẻ bắt chước cha mẹ những hành vi, thói quen tốt như: giờ giấc sinh hoạt lành mạnh, xếp hàng ở nơi công cộng, lễ phép với người lớn… trẻ sẽ hình thành được nề nếp, lối sống lành mạnh qua từng ngày.

Phát triển khả năng cảm nhận và biểu đạt cảm xúc

Theo Genk, những tế bào thần kinh gương tồn tại trong não bộ có thể phản ánh cảm xúc và cảm nhận của con người. Ví dụ, khi thấy mẹ xúc động bởi nội dung một quyển sách hay khóc khi xem một cảnh phim, những đứa trẻ có khả năng bắt chước mạnh mẽ sẽ tự động thay mình vào cảnh này, và trẻ có thể hiểu và đồng cảm với nhân vật. Những người có thể thấu hiểu và đồng cảm với người khác thường nhận được sự yêu mến và quan tâm hơn.

Hòa nhập nhanh hơn

Việc cha mẹ làm gương cho con những hành động tốt, cách cư xử lịch sự, nhã nhặn, những câu nói hay của cha mẹ sẽ giúp bé hòa nhập dễ dàng hơn, phát triển bản thân và sẵn sàng tiếp thu kiến thức trong môi trường mới, đặc biệt trong trường học. Thực tế, trẻ không có khả năng bắt chước có thể là một trong những dấu hiệu mắc phải chứng tự kỷ.

3. Cha mẹ cần giữ những thói quen nào để trẻ noi theo?

Thiết lập thời gian dành cho thiết bị điện tử

Cho trẻ sớm làm quen với máy tính, smartphone, máy tính bảng từ rất sớm không phải là trường hợp hiếm thấy đối với các gia đình trẻ hiện nay. Nếu cho trẻ xem ti vi/ điện thoại để đáp ứng nhu cầu về giác quan – nhu cầu học tập của trẻ thì cha mẹ đang đánh mất 80% cơ hội học tập của trẻ cùng với nhiều nguy cơ khác tiềm ẩn như ảnh hưởng đến thị giác, khả năng tập trung, khả năng giao tiếp…

Nếu cha mẹ muốn biết mình trông như thế nào lúc ngồi bấm hay nói chuyện điện thoại, hãy đưa chiếc điện thoại cho con, chúng sẽ giúp bạn “diễn” lại một cách chính xác hành động và cả cảm xúc của cha mẹ đấy! Việc cha mẹ thường xuyên cầm điện thoại cũng sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến thói quen sử dụng các thiết bị điện tử của trẻ.

Là người có kề cận bé nhiều nhất, có sức ảnh hưởng với bé nhiều nhất, cha mẹ cần là một tấm gương sáng về việc sử dụng thiết bị công nghệ cho con noi theo. Do vậy, nếu muốn hạn chế thời gian xem TV, sử dụng smartphone của trẻ, cha mẹ cần phải tự rèn luyện bản thân với những thú vui khác lành mạnh hơn, ít nhất là khi ở cùng gia đình.

Để giáo dục làm gương cho con, cha mẹ nên tự giới hạn thời gian sử dụng công nghệ của mình. Hãy đảm bảo bạn không dành quá nhiều thời gian vào công nghệ khi trẻ đang quan sát bạn. Trong trường hợp cha mẹ có công việc cần thiết thì nên dự báo trước với trẻ về việc mình sử dụng điện thoại để làm việc.

Ngoài ra, cha mẹ có thể thiết lập các giờ “công nghệ không hoạt động” cho cả gia đình, trong đó mọi người đều tắt các thiết bị điện tử và tham gia vào các hoạt động không liên quan đến công nghệ. Một số hoạt động gắn kết gia đình nên thực hiện như cùng nhau đọc sách, chơi board game, đạp xe, chơi thể thao, đi dạo công viên, tham gia các hoạt động cộng đồng…

Hành động và thể hiện cảm xúc tích cực trước mặt trẻ

Chạy theo guồng quay của cuộc sống, nhiều cha mẹ với nỗi lo cơm áo gạo tiền và 1001 vấn đề không tên khác… Đôi khi, người lớn không thể tránh khỏi việc bộc lộ những cảm xúc tiêu cực hay những cơn nóng giận mà vô tình quên mất rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến con trẻ.

Hành động, cảm xúc của cha mẹ khi thể hiện ra ngoài với đối phương, với những người xung quanh hay với chính con mình sẽ được trẻ ghi nhớ và bắt chước theo trong vô thức. Dần dần, đó sẽ thành hành động, cảm xúc của con khi đứng trước những vấn đề trong cuộc sống. Điều này không chỉ ảnh hưởng tâm lý của trẻ khi còn nhỏ mà còn góp phần hình thành tính cách của con sau này. Thậm chí nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ đi bắt nạt người khác có thể đã bắt chước hành vi đánh đập, hành hạ khi từng chứng kiến hành động này trong chính gia đình mình.

“Khi một đứa trẻ chứng kiến cha mẹ tranh luận, nhưng không xung đột, bạo lực mà nhẹ nhàng, kiên nhẫn tìm cách giải quyết, thì đứa trẻ đó sẽ an tâm, tin tưởng vào cha mẹ, và cũng học được cách nói lên suy nghĩ của mình”, E. Mark Cummings, nhà tâm lý học tại Đại học Notre Dame cho biết.

Vậy nên, cha mẹ làm gương cho con trước một vấn đề bất ngờ xảy đến, việc đầu tiên chính là bình tĩnh trước mặt trẻ. Cha mẹ hãy thống nhất những nguyên tắc chung trong giao tiếp như không đem chuyện cũ ra nói, không kéo những nhân vật ngoài lề vào câu chuyện, không dùng lời lẽ thô tục và đặc biệt không có hành động quá khích. Trong giáo dục con cái, cha mẹ nên giữ thói quen động viên, khích lệ trẻ thay vì sử dụng đòn roi. Nếu con phạm lỗi, cha mẹ hãy kiên nhẫn phân tích đúng, sai để trẻ tự nhận ra lỗi lầm của mình. Cha mẹ có thể hướng dẫn con viết nhật ký, ngồi thiền mỗi ngày từ 15 – 30 phút,… để giúp trẻ kiểm soát được các cảm xúc tiêu cực.

Thói quen sinh hoạt lành mạnh

Cha mẹ nào cũng mong con mình luôn khỏe mạnh và năng động. Vì vậy, việc dạy trẻ thói quen lành mạnh là điều mà cha mẹ nên chú trọng thực hiện càng sớm càng tốt. Phương pháp dạy trẻ hiệu quả nhất chính là cha mẹ làm gương cho con: thực hiện đều đặn, nghiêm chỉnh những hoạt động, thói quen tốt trong công việc và đời sống gia đình.

Ví dụ như: Ngày nay, thức ăn nhanh trở nên rất phổ biến và là món khoái khẩu của không ít bạn nhỏ. Thay vì chiều theo ý con ăn thức ăn nhanh, các thành viên trong gia đình nên dành thời gian vào bếp, cùng nhau tự tay nấu những bữa ăn dinh dưỡng và lành mạnh. Việc trẻ ăn những món ăn nhanh bên ngoài không đảm bảo vệ sinh an toàn hay với tần suất quá nhiều sẽ được hạn chế lại từ việc thực hiện nề nếp gia đình – về nhà ăn cơm mẹ nấu. Đó cũng là cơ hội để cả nhà cùng sum vầy trò chuyện, gắn kết tình yêu thương giữa mọi người.

Hay những thói quen cha mẹ đi ngủ sớm, đọc sách, hay thói quen tập luyện thể thao cùng con cũng là những thói quen tốt cần được phát huy trong gia đình.

Thành thật

Khi cha mẹ nói dối dù những thứ tưởng chừng vô hại, những điều nhỏ nhặt nhất trước mặt con trẻ như “Thuốc này không đắng đâu”, “Mẹ hứa ngày mai mẹ mua cho”,… trẻ sẽ dần dần in sâu vào tiềm thức của mình và nghĩ rằng nói dối là chuyện thường tình, không ảnh hưởng đến ai. Sau dần, con sẽ nói dối thường xuyên vì sợ bị cha mẹ la mắng, sợ phụ sự kỳ vọng của cha mẹ hay đơn giản nói dối chỉ để thu hút sự chú ý của mọi người.

Để giải quyết điều này, cha mẹ làm gương cho con như thế nào? Trước hết, với bất kỳ vấn đề nào cha mẹ luôn lựa chọn nói ra sự thật. Sự thành thật, trung thực sẽ khiến tình cảm mọi người trở nên gắn kết hơn, con sẽ được tin tưởng và có những người bạn tốt trong cuộc đời. Đừng bao giờ nói dối trẻ và dạy con tuyệt đối không được nói dối. Bởi lời nói dối sẽ mang đến bao điều tai hại và khi nói dối quá nhiều sẽ trở thành thói quen xấu, con sẽ không được mọi người tin tưởng mình nữa.

Tự giác, tự lập

Cha mẹ cũng nên “làm mẫu” cho con cách tự làm việc nhà từ những công việc nhỏ như quét nhà, lau dọn bàn ghế, tự sắp xếp đồ chơi hay phụ cha mẹ nhặt rau,… Bởi làm việc nhà có thể tác dụng kích thích não bộ trẻ nhỏ, giúp bé linh hoạt, tăng khả năng tự lập và tăng cường tư duy. Nếu con nhìn thấy cha tự giác giúp mẹ việc nhà, trẻ cũng ngầm hiểu rằng việc nhà là công việc của tất cả các thành viên trong gia đình san sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Từ đó, trẻ cũng tự giác bắt chước theo người lớn, phụ giúp cả nhà những công việc vừa sức.

Để con luôn tự giác và say mê với việc học tập, cha mẹ cũng cần thể hiện cho con thấy mình tự giác và say mê công việc của mình như thế nào. Hãy cho con biết rằng cha mẹ luôn không ngừng nỗ lực và luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Sự mạnh mẽ, quyết tâm của cha mẹ cũng giúp các con có động lực cố gắng nhiều hơn.

Hành xử chuẩn mực với mọi người

Đúc kết kinh nghiệm giáo dục con cái, ông cha ta đã khuyên: “Dạy con từ thuở còn thơ”, cũng tựa như uốn cây tre, phải uốn từ lúc tre còn non. Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều cha mẹ chưa coi trọng và đề cao việc dạy con phải kính trên nhường dưới. Nếu cha mẹ có những hành vi bất hiếu, vô lễ với ông bà, trẻ nhỏ rất dễ bắt chước theo. Người xưa thường nói: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Muốn con mình trở thành người lễ nghĩa, hiếu thảo thì cha mẹ làm gương cho con những hành động đẹp như thường xuyên hỏi thăm, chia sẻ với ông bà, chăm sóc ông bà bằng tất cả tình yêu thương…


Không chỉ trong phạm vi gia đình, cha mẹ nên cư xử lịch sự, nhã nhặn với mọi người xung quanh như chào hỏi người lớn, san sẻ, giúp đỡ, nhường ghế cho người già, giúp đỡ phụ nữ đang mang bầu ở nơi công cộng,… Cha mẹ chắc chắn sẽ rất bất ngờ khi “bản sao nhí” của mình bắt chước lại y hệt những cử chỉ tốt đẹp đó. Đây cũng là nền tảng để con trở thành một người tử tế khi lớn lên.

Không so sánh con với người khác

Nếu cha mẹ mắc bệnh thành tích, thường xuyên so sánh con với “con nhà người ta”, đứa trẻ sẽ mang trong mình sự tự ti, mặc cảm và mang tâm lý tự so sánh mình với mọi người từ khía cạnh nhỏ nhất.

Khi một đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ biết cách yêu thương, quan tâm, chấp nhận, ủng hộ, không phán xét, không so sánh, trẻ sẽ cảm thấy an toàn, ổn định để phát triển.

Việc cha mẹ làm gương cho con nghe tưởng chừng dễ dàng nhưng cần sự quyết tâm thực hiện nghiêm chỉnh của cha mẹ rất lớn. Không có cha mẹ nào hoàn hảo nhưng hãy cố gắng là tấm gương phản chiếu những điều tích cực nhất trong hành trình trưởng thành của con trẻ.

ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN

Giảm 100% phí đầu vào

Đăng kí

Bạn đang cần được tư vấn ?